Ban chỉ đạo
Tin tức giải trí
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên ĐH không ...
Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản diễn ra tại xứ sở hoa anh ...
Tiêu điểm
Mái trường từ Trái tim” là một dự án gây quỹ cộng đồng vì mục đích hỗ ...
|
![]() Gần 40 năm đi tìm thân nhân “giúp” liệt sĩMonday, 11/08/2014, 15:52:00 PM
Ở tuổi ngoài 70, sức khỏe yếu nhưng ông Ngô Tình, sống ở thôn Liêm Công Đông, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn ngày ngày miệt mài với việc chắp nối thông tin về phần mộ của các liệt sĩ đến với người thân.
Từ một lần tình cờ… Xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh-quê hương ông Ngô Tình nằm ở ven bờ phía Bắc của sông Bến Hải. Những người dân như ông Ngô Tình, sinh ra, lớn lên và bám trụ ở vùng đất này có lẽ là người thấy rõ nhất sự hy sinh, mất mát đằng đẵng suốt 20 năm đất nước bị chia cắt. Trong căn nhà cấp 4 nằm khuất sau vườn hồ tiêu đang độ ra hoa xanh mướt, ông Tình nhớ lại lần đầu tiên đi tìm thân nhân “giúp” liệt sĩ. Ông bảo: Đó là một lần tình cờ…
Vào một ngày tháng 7-1977, trong lần đi lấy củi ở trong khu rừng Vĩnh Ô, cách nhà khoảng 20km (rừng Vĩnh Ô nằm ở phía Tây huyện Vĩnh Linh), ông phát hiện hai ngôi mộ liệt sĩ có tên tuổi, quê quán, khắc trên tấm gỗ nằm lẻ loi giữa khu rừng. Đó là liệt sĩ Phạm Hữu Đắc, quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) và liệt sĩ Trương Xuân Lai, quê ở tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An). Khoảnh khắc đó ông chỉ ước, giá như có được nén hương mà thắp để vong linh những người nằm dưới mộ bớt phần hiu quạnh. Thế rồi ông nghĩ, phải ghi lại những thông tin trên bia mộ và vẽ lại sơ đồ, địa hình lối vào vị trí hai ngôi mộ này. Do không có giấy bút nên ông phải ghi thông tin về hai ngôi mộ lên mảnh lá chuối rừng. Về nhà, ông đã viết thư gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hai tỉnh để nhờ xác minh thông tin. Khi nhận được thông tin chi tiết về hai liệt sĩ từ phía địa phương cung cấp, ông lập tức viết thư về báo tin cho hai gia đình. Gửi thư đi, ông Tình phấp phỏng chờ đợi. Thế rồi gần một tháng sau, ông được đón thân nhân của liệt sĩ Phạm Hữu Đắc. “Sau khi vượt rừng mất gần một ngày đường, lúc cất bốc được hài cốt liệt sĩ Đắc, người thân của liệt sĩ cứ ôm ghì lấy tôi mà khóc. Hình ảnh người mẹ già cứ vuốt ve, xoa nắn rồi ôm ghì lấy di cốt của con trai mình vào lòng khiến đến giờ tôi vẫn thấy ứ nghẹn! Tôi hiểu, không có sự xót xa, mỏi mòn nào bằng sự mòn mỏi, ngóng trông những đứa con mà mình đã mang nặng, đẻ đau. Nỗi đau mất mát hẳn sẽ giảm vơi đi nhiều trong lòng mỗi người thân khi được đón phần mộ các liệt sĩ trở về với gia đình, với quê hương", ông Tình kể lại. Còn về phần mộ của liệt sĩ Trương Xuân Lai thì ông Tình cho biết: "Bấy giờ, gia đình có gửi thư lại cho tôi, nhưng do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên gia đình chưa thể vào cất bốc được. Đáng tiếc sau này, rừng Vĩnh Ô không còn như cũ, do những tác động của con người nên việc xác định lại địa hình để tìm phần mộ liệt sĩ Lai giờ đây rất khó khăn...”. Kể tới đây, giọng ông Tình bỗng nghẹn lại. Một công việc thầm lặng Trong kháng chiến chống Mỹ, vì điều kiện sức khỏe, lại thêm nhà có hai người anh và em trai đã nhập ngũ và hy sinh, do vậy mà ông Ngô Tình được miễn nhập ngũ. Những năm 1966-1972, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh mỗi ngày có đến hàng chục tấn bom đạn giặc trút xuống. Quân và dân Vĩnh Linh kiên cường chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn. Ở lại bên bờ Bắc sông Bến Hải, bấy giờ, ông Ngô Tình là Chủ nhiệm Hợp tác xã Liêm Công Đông, kiêm phụ trách công tác thương binh-liệt sĩ của xã Vĩnh Thành. Để kịp thời cứu chữa thương binh, tại khu vực thôn Liêm Công Đông lúc đó có hai trạm xá dã chiến của bộ đội được dựng lên, mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm chiến sĩ bị thương nặng chiến đấu tại Vĩnh Linh và từ chiến trường miền Nam chuyển ra. Nhiều người không qua khỏi, đã nằm lại mảnh đất này. Ông cùng bà con chôn cất các anh chu đáo. Sau ngày đất nước thống nhất, đa phần hài cốt liệt sĩ ở đây được xác định danh tính và quy tập vào nghĩa trang, nhưng vì số lượng liệt sĩ hy sinh quá nhiều, lại nằm rải rác nên các đội quy tập chưa thể quy tập hết. Sau ngày liệt sĩ Đắc ở rừng Vĩnh Ô được về “đoàn tụ” với gia đình, nhận thấy việc làm của mình là cần thiết, từ đó, ngoài công việc mưu sinh, thời gian còn lại ông Tình đạp xe rong ruổi đi khắp nơi để ghi chép thông tin và viết thư báo tin cho gia đình các liệt sĩ. Cũng trong năm 1977, thân nhân của 12 liệt sĩ khác tiếp tục nhận được thư của ông Tình gửi. Trong đó, ông đặc biệt nhớ trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn được chôn cất ngay trong khu vườn của gia đình ông. Chỉ vài ngày sau khi ông gửi thư đi thì chị Nguyễn Thị Bé, là em gái của liệt sĩ Huấn, đã lặn lội từ thị xã Bắc Ninh tìm vào nhà ông để “gặp lại” người anh trai của mình. Vợ chồng ông Tình lại giúp chị Bé hoàn thiện các thủ tục để đưa liệt sĩ Huấn về quê. “Từ đó đến nay, chị Bé và gia đình đã mấy lần vào đây thăm vợ chồng tôi, lâu lâu chị ấy lại viết thư, gọi điện thăm hỏi. Mấy lần chị Bé có mời vợ chồng tôi ra Bắc Ninh chơi, nhưng vì kinh tế khó quá nên tôi vẫn chưa đi được…”, ông Tình chia sẻ. Thời gian lặng lẽ trôi, thấm thoắt đến nay đã gần 40 năm ông Ngô Tình xuôi ngược, lặn lội tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ. Lâu dần thành quen, cứ nghe ở đâu phát hiện có mộ liệt sĩ là ông Tình lại đạp xe tìm đến. Những năm sau này, ông còn tìm tới cả các nghĩa trang liệt sĩ nhỏ nằm ở các địa bàn hẻo lánh, ít người qua lại để thu thập thông tin và gửi báo, đài giúp liên lạc với thân nhân liệt sĩ. Đến nay, ông Tình đã tổng hợp được thông tin của hơn 2000 liệt sĩ. Trong số này, ông đã liên lạc được với người thân của hơn 500 liệt sĩ. Dù hoàn cảnh gia đình vẫn còn thuộc diện khó khăn, nhưng suốt gần 40 năm qua, chưa khi nào vợ chồng ông Tình nề hà mỗi khi có thân nhân của các liệt sĩ tìm đến. Nhiều khi hàng tuần liền, nhà ông trở thành “trụ sở” cho thân nhân của các liệt sĩ ở xa về tìm mộ. Những lúc đó, ông bà đều lo liệu cơm nước, nơi ngủ nghỉ, tiếp khách chu đáo, thế nhưng ông bảo "vẫn còn áy náy vì sợ mình nghèo nên chưa lo được chu toàn". Từ ngày Đài Tiếng nói Việt Nam mở chuyên mục “Thông tin về những người con hy sinh vì Tổ quốc”, chưa khi nào ông Tình bỏ nghe. Mấy lần bị ốm phải vào bệnh viện điều trị nhưng ông vẫn đem theo chiếc đài nhỏ để theo dõi chương trình. "Mỗi khi nghe thấy trường hợp liệt sĩ nào có tên tuổi, quê quán hoặc đơn vị trùng với những thông tin mà mình đã ghi chép được là tôi lại viết thư gửi đi ngay". Nói rồi, ông Tình dẫn chúng tôi vào góc nhà-nơi đặt hơn chục cuốn sổ ghi chép những thông tin về các liệt sĩ. Cạnh đó là những chồng thư do thân nhân của các liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước gửi cho ông từ nhiều năm qua. Nhiều lá thư đã ố vàng bởi thời gian nhưng khi đọc lên vẫn chứa chan niềm cảm xúc. Có lẽ chỉ những người như ông Tình là thấu hiểu rõ nhất nỗi đau mất mát, sự đợi chờ đằng đẵng của thân nhân các liệt sĩ, với mong mỏi được một lần nhìn thấy di cốt của người thân. Cũng xuất phát từ sự thấu hiểu đó mà đến tận bây giờ, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Tình vẫn miệt mài với công việc mang đậm chất nhân văn này. “Khó khăn mấy tôi cũng sẽ gắng gượng…”
Đã ngoài 70 tuổi, hiện nay, ông Tình vẫn là trụ cột của gia đình. Hai người anh, em trai của ông là liệt sĩ Ngô Xuân Thiết và Ngô Quang Đức đã hy sinh ở chiến trường miền Nam từ trước năm 1969, đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Còn lại mình ông gánh vác công việc gia đình, chăm sóc bố mẹ thay phần người đã hy sinh. Ông có một người con trai sống chung với vợ chồng ông, nhưng thật buồn, người con trai mà vợ chồng ông hy vọng sẽ là chỗ dựa cho những ngày tháng cuối đời lại đột ngột qua đời vào năm 2011, để lại cho ông hai đứa cháu nội đang tuổi ăn, tuổi học. Trước đây, ông Tình đảm nhiệm công việc bảo vệ kiêm đánh trống ở Trường cấp 2 xã Vĩnh Thành, nhưng từ khi con trai mất, ông cũng xin nghỉ để gánh vác việc đồng áng. Hai người cháu nội của ông, một đã xung phong đi bộ đội, một ở nhà phụ giúp mẹ và ông bà, gác lại giấc mơ vào đại học. Tiễn tôi ra ngõ, ông Tình nắm tay chia sẻ: “Tôi vẫn còn hai tâm nguyện nữa, đó là phải gắng sức làm sao để đứa cháu gái có cơ hội được đi học đại học. Thật may mắn, thằng cháu trai sau hơn một năm nhập ngũ, vừa rồi đã trúng tuyển vào Học viện Biên phòng. Tôi vui lắm! Còn tâm nguyện thứ hai là mong sao tôi đủ sức khỏe để tiếp tục công việc mà tôi đã làm gần 40 năm qua, dù khó khăn mấy tôi cũng sẽ cố gắng anh ạ”. Tạm biệt ông, tôi cầu mong sao ông luôn khỏe để thực hiện những tâm nguyện của mình.
- Nguồn: Báo Quân đội nhân dân -
|
nghĩa tình đồng đội TRUNG TÂM HỖ TRỢ NHÂN ĐẠO NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI Văn phòng: Tòa nhà C`LAND,số 154 Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà NộiĐiện thoại: 086 799 2710
-------------------------- QUỸ NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI TM. BAN QUẢN LÝ ------------------------- Số TK: 0020135553248 Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Chi nhánh Hội Sở, Hà Nội
Danh sách ủng hộ quỹ
Doanh nhân
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh ...
Công lý | Chính sách
Chỉ hai vụ án hình sự không quá phức tạp, không quá rắc rối, đã cho ...
Liên kết website Mạng xã hội |