Ban chỉ đạo
Tin tức giải trí
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cán bộ, giảng viên ĐH không ...
Lễ hội giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản diễn ra tại xứ sở hoa anh ...
Tiêu điểm
Mái trường từ Trái tim” là một dự án gây quỹ cộng đồng vì mục đích hỗ ...
|
![]() Tầm vóc chiến lược của Chiến thắng Thượng Đức 1974 (Kỳ 2)Friday, 08/08/2014, 08:58:00 AM
Để xoay chuyển tình hình chiến sự, lập tức, Trung đoàn trưởng Trần Văn Quý và Chính ủy Trung đoàn Trần Kiên Quyết cho sử dụng bộc phá liên tục nhằm “đột phá khẩu”, nhưng không có phương án chuẩn bị trước, vì vậy, chỉ huy Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 không thể tổ chức ngay được các ống bộc phá và bộc phá viên để mở cửa tiếp. Do yếu tố kiêu binh, chủ quan, coi thường địch, bộ đội đã không được lệnh đào công sự ở khu vực cửa mở, nên thương vong nhiều. Trong khi đó, địch dựa vào công sự, hầm ngầm vững chắc, lại được pháo binh, không quân yểm trợ đắc lực, nên chúng đã thành công trong triệt tiêu đột phá khẩu của Trung đoàn 66. Xe tăng dẫn đầu mũi tấn công. Cho đến ngày 31-7, trải qua ba ngày đột phá khẩu không thành, Tiểu đoàn 8 thay Tiểu đoàn 7 tiếp tục tiến công trên hướng chủ yếu. Tuy nhiên, vì nóng vội, tổ chức hiệp đồng thiếu chặt chẽ, Tiểu đoàn 8 tổ chức bộ đội ba lần mở cửa mở vẫn không thành; bộ đội lại bị thương vong lớn hơn. Trung đoàn Trưởng Trần Văn Quý rời sở chỉ huy xuống đốc chiến Tiểu đoàn 8, bị thương gãy cánh tay phải. Trước diễn biến chiến đấu hết sức phức tạp, các tiểu đoàn thương vong ngày một tăng trong khi vẫn chưa đột phá được cửa mở. Trung đoàn 66 thực sự bế tắc. Do đó, Bộ tư lệnh Sư đoàn 304 cho Trung đoàn 66 ngừng tiến công, đồng thời giữ vững những vị trí đã chiếm được để củng cố lực lượng, rút kinh nghiệm để có chiến thuật phù hợp nhằm dứt điểm chi khu quân sự Thượng Đức. Việc mở cửa mở của Trung đoàn 66 không thành công, một vấn đề đặt ra là có nên để Trung đoàn 66 tiếp tục tiến công Thượng Đức hay không khi mà lực lượng chiến đấu của trung đoàn bị sứt mẻ nghiêm trọng, tâm lý tinh thần chiến đấu của bộ đội cũng bị ảnh hưởng. Đã có ý kiến gợi ý của lãnh đạo Quân khu 5 là đưa Trung đoàn Bộ binh 3 và Tiểu đoàn Đặc công Quân khu 5 thay Trung đoàn 66 để nhanh chóng giải quyết dứt điểm Thượng Đức. Phương án thay thế này có thể nhanh chóng đánh chiếm được Thượng Đức, nhưng là một đòn giáng mạnh vào niềm kiêu hãnh, bề dày chiến công của Trung đoàn “Ký con”. Hơn nữa, ta không còn lực lượng dự bị mạnh, nhằm ngăn chặn lực lượng tiếp ứng lên Thượng Đức. Sau khi cân nhắc các phương án sử dụng lực lượng, Bộ tư lệnh Quân khu 5, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 Hoàng Đan đồng ý đề nghị của Bộ tư lệnh Sư đoàn 304 tiếp tục sử dụng Trung đoàn 66, trong đó, đặc biệt lưu ý trung đoàn rút kinh nghiệm nghiêm túc, chấn chỉnh về tổ chức, các đơn vị ổn định tư tưởng bộ đội, nghiên cứu cách đánh mới hiệu quả. Trong cuộc họp Đảng ủy sư đoàn, Trần Bình-Bí thư Đảng ủy và Sư đoàn trưởng Lê Công Phê đã nghiêm túc tự phê bình về việc tổ chức chỉ huy thiếu chu đáo, để cán bộ các cấp có tư tưởng chủ quan khinh địch, nắm địch không chắc, cách đánh chưa phù hợp, trong khi địch dựa vào các hệ thống phòng ngự vững chắc, ta đột phá không thành công. Vì vậy, sư đoàn phải triển khai chiến thuật mới. Hòa trong tinh thần chuẩn bị khẩn trương của Trung đoàn 66, Thiếu tướng Nguyễn Chánh-Phó tư lệnh Quân khu 5; Đại tá Hoàng Đan-Phó tư lệnh Quân đoàn 2 và Thượng tá Trần Bình-Chính ủy Sư đoàn 304; trực tiếp xuống chỉ đạo Trung đoàn 66 khắc phục khó khăn, động viên bộ đội giữ vững tinh thần bước vào cuộc chiến đấu mới. Để bảo đảm đánh chắc thắng, chỉ huy sư đoàn điều Trung tá Lê Đắc Long-Tham mưu trưởng sư đoàn xuống trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 66; Đại úy Phạm Văn Cai-Tham mưu phó Trung đoàn 66 xuống trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 8; Đại úy Phạm Xuân Thệ-Tham mưu phó Trung đoàn 66 xuống chỉ huy Tiểu đoàn 9. Đồng thời, Sư đoàn trưởng Lê Công Phê ra lệnh đưa pháo 85mm từ điểm cao 118 sang điểm cao 296 cách địch khoảng 800m, bắn thẳng vào các mục tiêu chính, chi viện cho bộ binh xung phong. Sau cuộc tiến công đầu tiên không thành của Trung đoàn 66, viên Thiếu tá, Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng bị thương gãy chân trái do mảnh đạn pháo binh của ta, báo cáo về Đà Nẵng là Thượng Đức vẫn giữ vững, yêu cầu tăng viện. Đồng thời, Nguyễn Quốc Hùng ra lệnh cho quân lính củng cố công sự, hầm hào chiến đấu, tăng cơ số đạn, phương tiện chiến đấu. Vào 1 giờ sáng 6-8-1974, trên hướng tiến công chủ yếu của Tiểu đoàn 8 được lệnh vào chiếm lĩnh trận địa. Tổ bộc phá tiếp cận hàng rào để mở cửa. Thiếu tá, Trung đoàn phó Nguyễn Sơn Văn và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 ra lệnh tổ bộc phá mở cửa để bộ đội thọc sâu đánh chiếm trung tâm Thượng Đức. Cuộc tiến công lần thứ hai bắt đầu. Khu phòng thủ Thượng Đức rung chuyển, khói bụi mù mịt bởi hoạt động pháo binh của ta. Pháo bắn thẳng, pháo phòng không 37mm hạ nòng diệt từng lô cốt địch. Lập tức địch phản ứng ra lệnh cho máy bay A37, pháo binh đánh phá liên tục vào khu vực cửa mở. Từ kinh nghiệm của cuộc tiến công lần thứ nhất, bộ binh ta áp sát mục tiêu và có công sự nên thương vong ít. Dù rất cố gắng nhưng đến 7 giờ sáng 6-8-1974, bộ đội trên hướng chủ yếu vẫn chưa có mũi nào thọc sâu được. Trên hướng thứ yếu Tiểu đoàn 9, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 6-8-1974, Đại đội 9 đã chiếm được tiền đồn C. Chớp thời cơ, Thượng úy Ngô Du-Tiểu đoàn phó, dẫn đầu đội hình tiểu đoàn lao lên tả xung hữu đột, ra lệnh cho Đại đội trưởng Đại đội 11 cho anh em cởi áo ném lên hàng rào để bộ đội dẫm chân nhảy qua băng vào trung tâm địch. Sườn phải đội hình Tiểu đoàn 9, Đại đội trưởng Đại đội 10-Thiếu úy Hoàng Văn Nam bình tĩnh chỉ thị mục tiêu cho chiến sĩ Trần Đình-xạ thủ B41, ngắm bắn vào lô cốt địch có hỏa lực trung liên. Một tiếng nổ chói tai, lập tức hỏa lực địch câm lặng. Thừa thắng, Trung đội trưởng-Thượng sĩ Nguyễn Huy Thường chỉ huy trung đội thọc sâu, đánh chiếm từng lô cốt, hầm ngầm. Tuy nhiên, khi phát triển vào trung tâm, các mũi tiến công của các đại đội không thực hiện được ý đồ chiến thuật thọc sâu, chia cắt, khống chế tiêu diệt hỏa lực địch, bởi hệ thống hỏa lực của chúng chưa bị phá vỡ còn ken dày, rất mạnh. Những chiếc A37 của địch liên tục quần thảo, ném bom hòng ngăn chặn đà tiến công và lung lạc ý chí bộ đội ta. Theo dõi diễn biến chiến đấu của hai Tiểu đoàn 8 và 9, Tiểu đoàn 9 phát triển chiến đấu thuận lợi hơn, nên vào lúc 1 giờ ngày 7-8-1974, Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn 304 họp quyết định hướng tiến công của Tiểu đoàn 9 thành hướng chủ yếu, tăng cường hỏa lực cho Tiểu đoàn 9 đánh chiếm khu bảo an, dùng hỏa lực tạt sườn chi viện cho Tiểu đoàn 8 đánh khu biệt động. Quyết định sáng suốt ấy của sư đoàn đã hạn chế một phần hỏa lực bắn thẳng và phi pháo của địch là tiền đề cho đột phá thành công. Thực hiện chỉ đạo của sư đoàn, Trung đoàn 66 xốc lại lực lượng, bố trí lại đội hình. Vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 7-8-1974, Trung đoàn 66 mở đợt tiến công thứ 3 đánh chiếm chi khu quân sự Thượng Đức. Những loạt đạn pháo dồn dập giáng xuống khu vực phòng thủ Thượng Đức, chi viện cho Tiểu đoàn 8 tiến hành đánh bộc phá liên tục. Khi lớp rào cuối cùng bị cuốn đi, lập tức, Chuẩn úy Chu Ngọc Oanh-Trung đội trưởng, chỉ huy trung đội lao lên, bất ngờ khẩu đại liên trong lô cốt ở hướng đối diện nhằm thẳng bộ đội ta nhả đạn. Trung đội trưởng Oanh bị thương ở cánh tay trái, anh quyết định lấy thân mình bịt lỗ châu mai của địch. Tận dụng địa hình địa vật, Oanh trườn lên phía trước tiếp cận hỏa điểm. Cả trung đội vừa bắn kiềm chế hỏa điểm địch, vừa nín thở quan sát động tác xâm nhập của Trung đội trưởng Oanh. Khi tiến sát góc lỗ châu mai, Chu Ngọc Oanh vụt đứng dậy dùng bao cát bịt họng súng địch và hô vang “Xung phong”. Cả Đại đội 6 bật dậy, xốc tới khu trung tâm địch với sức mạnh và lòng quả cảm của Trung đội trưởng Chu Ngọc Oanh. Trên hướng Trung đoàn 3, từ ngày 31-7 đến 7-8-1974, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn kiên trì nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở Hà Sổng, Hà Tân tạo thành thế bao vây chặt quân địch ở Thượng Đức. Cho dù Trung đoàn 66 chưa làm chủ được Thượng Đức nhưng Trung đoàn 3 đã chia lửa thông qua việc giữ các chốt, đánh địch cứu viện, chia cắt, giam chân địch, tạo điều kiện cho Trung đoàn 66 thể hiện quyết tâm cao nhằm dứt điểm Thượng Đức. Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiên lượng nguy cơ Thượng Đức thất thủ nên đã ra lệnh cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân khu 1 cho không quân và pháo binh ở Đà Nẵng tăng tần suất hoạt động của A37 và pháo bắn mật độ dày nhằm gây sát thương lớn cho Quân giải phóng và trấn an, lên dây cót tinh thần cho binh lính ngụy ở Thượng Đức. Mặc dù bị bom, pháo đánh địch liên tục, nhưng Tiểu đoàn 9 đã dũng mãnh tiến công đánh chiếm được khu bảo an, phát triển nhanh xuống khu cảnh sát quận lỵ. Tiểu đoàn 7 từ hướng Tây Bắc được lệnh sang hướng Tiểu đoàn 9, đánh chiếm khu biệt động. Thiếu úy-Đại đội trưởng Nguyễn Đình Sửu chỉ huy đại đội tiến công khu thông tin. Khi phát triển qua trận địa cối 61mm của địch, Sửu đã cho tiểu đội hỏa lực sử dụng cối địch bắn thẳng vào sở chỉ huy địch. Trong lúc bấn loạn, Thiếu tá, Quận trưởng Hùng gọi điện cho không quân Đà Nẵng đưa máy bay A37 ném bom thẳng vào quận lỵ và khu chợ Hà Tân để dân tản ra cánh đồng, là cơ hội cho bọn địch còn sống sót bỏ sắc phục trà trộn trong dân hòng tìm lối thoát. Tuy nhiên, địch không thực hiện được ý đồ đó vì bị Quân giải phóng vây chặt, áp sát, nên đã hạ vũ khí đầu hàng. Đúng 8 giờ 30 phút ngày 7-8-1974, lá cờ giải phóng của Đảng bộ và nhân dân Quảng-Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay trên cứ điểm Thượng Đức, khẳng định ý chí, quyết tâm, sự can trường của chiến sĩ Quân giải phóng ba lần đột phá tiến công diễn ra trong 10 ngày đêm vào cứ điểm có công sự vững chắc, Sư đoàn 304 cùng Trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 và một số LLVT địa phương Quân khu 5 đã làm chủ chi khu Thượng Đức và các vị trí vệ tinh; tiêu diệt và bắt 1.600 tên địch; bắn rơi 13 máy bay A37 và trực thăng vũ trang; thu hơn 1000 súng các loại, giải phóng quận lỵ Thượng Đức, mở ra một bàn đạp quan trọng uy hiếp căn cứ liên hiệp Đà Nẵng từ hướng Tây, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ cơ sở ở vùng sâu, vùng địch chiếm đóng, khôi phục thế làm chủ ở Vùng B Đại Lộc. Tuy nhiên, về phía ta cũng thương vong hơn 600 cán bộ, chiến sĩ. Từ đợt hoạt động quân sự này, Sư đoàn 304 đã rút ra nhiều bài học về tổ chức, chỉ huy chiến đấu, trinh sát nắm địch; về hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh và pháo binh; về tư tưởng chủ quan, coi thường địch của bộ đội ta. Tuy vậy, ta đã đạt được thắng lợi cả về quân sự và chính trị, là một đòn giáng mạnh vào “Kế hoạch bình định 3 năm 1973-1975” kéo dài chiến tranh của Mỹ-ngụy. - Nguồn: Theo Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG kể -
|
nghĩa tình đồng đội TRUNG TÂM HỖ TRỢ NHÂN ĐẠO NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI Văn phòng: Tòa nhà C`LAND,số 154 Xã Đàn 2, Đống Đa, Hà NộiĐiện thoại: 086 799 2710
-------------------------- QUỸ NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI TM. BAN QUẢN LÝ ------------------------- Số TK: 0020135553248 Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Chi nhánh Hội Sở, Hà Nội
Danh sách ủng hộ quỹ
Doanh nhân
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh ...
Công lý | Chính sách
Chỉ hai vụ án hình sự không quá phức tạp, không quá rắc rối, đã cho ...
Liên kết website Mạng xã hội |